Nội dung này được đề cập trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác với UBND TP.HCM về triển khai việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và công tác cải cách hành chính của thành phố, ngày 8/4.
Sắp xếp lại 80 phường của TP.HCM
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM quyết tâm tìm mọi cách để có phương án sắp xếp, nhất là các phường có dân số lớn nhưng không đạt tiêu chí về diện tích.
Theo ông Hoan, ngoài xem xét các yếu tố đặc thù chung theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Thành phố còn xem xét đặc thù của mỗi quận như thu ngân sách, hạ tầng kỹ thuật - xã hội - kinh tế.
Cùng với đó, khi xem xét sắp xếp một đơn vị hành chính, TP.HCM cũng vận dụng theo Luật Đô thị, tức một quận có tối thiểu 10 đơn vị hành chính, còn lại sắp xếp dựa trên dân số để phân bố đồng đều, đảm bảo cơ sở hạ tầng như trường học, y tế, văn hóa, thể thao đều được bố trí đồng đều.
Ông Hoan cũng thông tin, riêng với trường hợp của huyện Nhà Bè, trong đề án lần này, TP.HCM kiến nghị không sắp xếp vì địa phương này nằm trong 5 huyện có đề án đầu tư và xây dựng để phát triển các huyện trở thành các đô thị trực thuộc TP.HCM.
"Quan điểm của TP.HCM là để các huyện này lên đô thị thì phải đầu tư xây dựng chứ không phải hành chính thuần túy", ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, nếu phương án của Thành phố được chấp thuận thì giai đoạn 2023-2030, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 80 phường thuộc địa bàn 10 quận, như vậy giảm được 39 phường.
Tinh giảm biên chế chậm do khối lượng công việc lớn
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngoài trung tâm đô thị hiện hữu và TP.Thủ Đức, trong định hướng phát triển sắp tới TP.HCM sẽ có Thành phố Khu Nam gồm Quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh; Thành phố Tây Bắc gồm Quận 12, huyện Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi.
Theo ông Mãi, việc này đã được đưa vào định hướng quy hoạch của TP.HCM và sắp tới sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
Dù khối lượng công việc lớn so với một số địa phương khác nhưng thành phố sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ chung, đến tháng 6/2024 trình đề án. Với các vấn đề vướng mắc từ tâm lý, tư tưởng, sắp xếp cán bộ, tài sản, kinh phí, thành phố sẽ giải quyết trong thẩm quyền.
Đối với vấn đề cải cách hành chính, ông Mãi nhìn nhận việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, hay vấn đề tinh giản biên chế Thành phố làm chậm, do khối lượng quá lớn. Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, các đơn vị trực tiếp có rà soát, tính toán các phương án.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị khoán quỹ lương cho Thành phố để thực hiện việc vừa sắp xếp các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và tính được biên chế.
"Nếu chúng ta cứ tính biên chế hiện hữu hằng năm thì không thúc đẩy được tinh giản biên chế", ông Mãi nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá TP.HCM đã thực hiện nghiêm túc, triển khai bài bản, khẩn trương việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Bà Trà cũng nhìn nhận TP.HCM đã đưa ra phương án sắp xếp tối ưu, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của thành phố.
"Bộ Nội vụ thống nhất với phương án sắp xếp của thành phố, đó là sẽ sắp xếp lại 80 phường, giảm 39 phường", bà Trà nói thêm.
Liên quan đến công tác sắp xếp, người đứng đầu ngành nội vụ lưu ý TP.HCM cố gắng việc sắp xếp vừa đảm bảo yêu cầu thận trọng, chặt chẽ, bài bản, khoa học nhưng cần đảm bảo tính thống nhất và đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư cũng như người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa tinh thần dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện tối đa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng". Từ đó, nâng cao đời sống cán bộ công chức, viên chức và quan trọng hơn là thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển với vai trò đầu tàu, động lực của TP.HCM, dẫn dắt sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trà cũng yêu cầu TP.HCM cố gắng đảm bảo nội dung, chất lượng của đề án, đưa ra được phương án sắp xếp công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị chậm nhất đến 30/7, TP.HCM phải nộp đề án này.