Đã tích hợp bằng lái ô tô và xe máy vào nhau rồi có tách ra được không?

   

Nhiều người đã ghép bằng lái ô tô và xe máy vào một thẻ PET, nhưng trong quá trình sử dụng thấy bất tiện vì nếu bị tạm giữ bằng lái xe máy do vi phạm luật giao thông thì sẽ "mất" luôn bằng lái ô tô.

 
Đã tích hợp bằng lái ô tô và xe máy vào nhau rồi có tách ra được không?
Photo: internet
     
 
 

 

Vào năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2013 quy định chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, mô tô sang loại làm bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) từ ngày 1/3/2014, và gộp hai loại GPLX này vào chung một thẻ để thuận tiện cho việc quản lý (chỉ một số).

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng việc gộp GPLX ô tô và mô tô vào nhau đã nảy sinh một số bất tiện, như khi CSGT xử lý người vi phạm luật giao thông tạm giữ một loại sẽ đồng nghĩa với việc "mất" luôn loại còn lại; do đó, nhiều người có nhu cầu tách hai loại GPLX này riêng ra.

Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đã tích hợp bằng lái ô tô và xe máy vào nhau rồi có tách ra được không? - 1

Việc tích hợp giấy phép lái xe phát sinh một số bất cập trong quá trình sử dụng, khiến nhiều người muốn tách ra (Ảnh minh họa: Nhật Minh).

Theo Điều 38 thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Khoản 7, Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT và Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, thủ tục tách GPLX tích hợp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Đơn đề nghị đổi GPLX theo mẫu quy định (Bản chính)

- Giấy khám sức khỏe người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (Bản chính)

- GPLX, thẻ chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND hoặc CCCD đối với người Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Bản sao có công chứng).

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Gửi bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở giao thông vận tải (https://dichvucong.gov.vn).

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp GPLX khi đến thực hiện thủ tục đổi GPLX và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.

- Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân cần kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận GPLX, phải nộp lại GPLX cũ để lưu hồ sơ.

Việc trả GPLX được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân. Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, GPLX được trả cho đúng cá nhân đổi GPLX.

Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC, trường hợp người lái xe muốn tách 2 GPLX ô tô và mô tô riêng biệt sẽ phải nộp lệ phí là 270.000 đồng. Thời gian trả kết quả sẽ không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ.