Thời điểm này, bất động sản giá tốt là có khách mua ngay. Thế nhưng cũng có trường hợp giá đã tốt, bên mua vẫn cố ép cho xuống mạnh.
“Khách mua ép giá dữ lắm chị ơi. Có khách ép giá đến 50-70% giá rao bán”, một môi giới đất nền Tp.HCM cho biết. Khi được hỏi, giá đó chủ đất có chịu bán không?, môi giới này nói vui: “Nếu giảm sâu kiểu đó thì em cũng mua rồi”!
Theo môi giới này, thị trường đất nền đang ấm dần lên nhưng giao dịch chủ yếu diễn ra ở nguồn hàng giảm giá sâu. Người bán hiện nhiều hơn người mua, cho nên bên mua liên tục “ép giá xuống”, mặc dù họ biết đó là giá đã giảm khá nhiều so với giá thị trường chung.
Môi giới này chia sẻ câu chuyện của mình. Mới đây, khi đăng thông tin rao bán ngộp căn nhà giá 5,1 tỉ mặt tiền kinh doanh được tại khu vực Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), một nhà đầu tư phía Bắc nói: Em trả giá xuống đúng 2 tỉ anh bay vào công chứng ngay. Môi giới này cho biết, mặc dù bị ngộp tài chính nhưng nhà đầu tư không bán bằng mọi giá. Từ gần 6 tỉ đồng xuống 5.1 tỉ đồng đã là mức giảm giá đáng kể của nhà đầu tư. Vì thế, dù có khách thiện chí mua ngay nhưng với việc trả giá xuống quá thấp, người bán sẽ không chịu bán.
Theo môi giới, thị trường nhà đất cũng xuất hiện tình trạng “trả giá cho vui”. Nhiều nhà đầu tư vào “canh” hàng ngộp và trả giá xuống rất thấp. Đôi khi chủ đất chấp nhận bán với mức giá đó thì họ lại tiếp tục trả xuống thấp hơn. Một số khác liên tục “thúc giục” môi giới làm giá với chủ nhà/đất để đưa ra mức giá theo ý họ. Tuy nhiên, điều này là không thể khi mức giá chủ đất muốn thu về khác xa so với giá trả.
“Có những mảnh đất nhà đầu tư rất ưng và muốn mua nhưng liên tục làm giá để thấp hơn nữa. Môi giới chỉ là bắc cầu, việc quyết định bán ra với giá nào phụ thuộc vào chủ đất. Do thị trường khó, nhiều người nghĩ sẽ ép được giá thấp hơn để ôm hàng. Thế nhưng, thay vì bán quá rẻ chủ đất sẽ xoay sở và giữ tài sản lại, chờ thêm”, một nam môi giới đất nền khu Đông Tp.HCM cho hay.
Từ giữa tháng 3/2023 đến nay, đất nền thứ cấp tại Tp.HCM và các tỉnh ven giảm giá 10-25% so với đầu năm do nhà đầu tư ngộp tài chính xả hàng.
Tại Cần Giờ, những lô thổ cư nhỏ trên đường Giồng Ao hồi tháng 1 rao giá 34 triệu đồng một m2, nay hạ xuống 30 triệu đồng một m2, giảm gần 12% so với đầu năm nay và giảm trên 30% so với 12 tháng qua.
Đất nền hỗn hợp (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản xen kẽ diện tích thổ cư) mặt biển thị trấn Cần Thạnh lô lớn trên 2.000-3.000 m2 hiện có trường hợp chào giá giảm 20-25% so với tháng đầu năm.
Tại huyện Bình Chánh, giá bán đất nền trên thị trường thứ cấp cũng giảm 15-25% tùy nền cỡ lớn hoặc nhỏ. Một số lô đất nông nghiệp diện tích lớn thậm chí giảm gần 30% do người đang nắm giữ rổ hàng bị áp lực tài chính.
Trong khi giá đất nền lẻ ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và xa hơn là Bảo Lộc, Bình Phước cũng ghi nhận tình trạng nhà đầu tư thoát hàng giảm giá 15-30% so với quý 4/2022. Trong đó, đất rẫy, đất trồng cây lâu năm lô lớn từ 1.000 m2 trở lên có đà giảm giá mạnh hơn so với đất thổ cư lô nhỏ 100-200 m2.
Theo báo cáo từ DKRA Group, giá thứ cấp đất nền 3 tháng đầu năm 2023 giảm 10-25% so với cuối năm ngoái. Mức giảm phổ biến 100-600 triệu đồng một nền, có nhiều trường hợp giảm giá lên đến một tỷ đồng một nền và tập trung chủ yếu ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính khi đầu tư.
Cũng theo đơn vị này, đà giảm giá có thể kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Còn theo dữ liệu của Batdongsan, trong tháng 1/2023, nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 31% so với tháng 12/2022. Đất nền lẻ có lượt tìm kiếm giảm 56% trong khi đất dự án ghi nhận mức độ quan tâm giảm 66%. Mức suy giảm mạnh nhất rơi vào loại hình đất nền, dự án ở các vị trí xa trung tâm và phần lớn thuộc thị trường tỉnh.
Theo thống kê, lượng nhà đầu tư ôm đất nền bán giảm lời chiếm khoảng 30% thị trường, trong khi bán hòa vốn chiếm 30% và chịu lỗ chiếm 40% rổ hàng thứ cấp.