Mạng xã hội tranh cãi hoàn cảnh một cụ bà được cho là người vô gia cư, “ngày xin đồ từ thiện, tối về nhà chục tỷ” ở Hà Nội.
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao phóng sự về thực trạng tái diễn những người vô gia cư giả ở Hà Nội.
Trong đoạn video, một người vô gia cư sau khi lấy đầy một xe quà, thì trở về một ngôi nhà 3 tầng, rộng hơn 100m2, nằm trên mặt phố Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
“Theo người dân địa phương, trị giá của căn nhà này lên đến hàng chục tỷ đồng”, trích nội dung phóng sự.
Người phụ nữ trở về căn nhà 3 tầng sau khi đã nhận đủ quà từ thiện
Mạng xã hội sau đó lại xuất hiện video cho biết cụ bà tên Phượng, 83 tuổi, hàng ngày đi nhặt rác, xin cơm ăn qua ngày. Trong sân ngôi nhà, đồ đạc và phế liệu chất đống ngổn ngang, mấy túi thức ăn thừa, mốc hỏng treo trên tường.
Bà nói “ngủ trên một tấm cánh cửa tủ nhặt được, kê ở ngoài hiên nhà. Hàng ngày đi nhặt rác, xin cơm ăn, ai cho gì thì ăn nấy”.
“Bữa ngon nhất là bữa xin được cơm ăn. Còn hôm nào có tiền thì bà mua một suất bún chả 40.000 đồng, vài tháng mới ăn một bữa như thế. Hoặc có cô nào họ ăn ở vỉa hè này, họ muốn cho mình họ rủ mình ăn cùng. Cực lắm”, người phụ nữ nói trong video.
Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho biết cụ bà trong video tên là Nguyễn Thị Kim Phượng (83 tuổi). Bà Phượng là người già đơn thân, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên phố Tô Hiến Thành.
Theo vị lãnh đạo, bà không phải người vô gia cư mà hiện sống tại tầng một của căn nhà. Hoàn cảnh không khó khăn như video trên mạng xã hội chia sẻ.
“Bà Phượng có hộ khẩu tại tầng một của căn nhà, hàng tháng nhận trợ cấp 400.000 đồng. Bà khỏe mạnh, minh mẫn và hoạt bát, nhưng thích đi nhặt rác, tích trữ rác đầy nhà”, lãnh đạo UBND phường nói.
Hiên nhà chất đầy rác của bà cụ
Theo như tìm hiểu được, ngôi nhà này là biệt thự Pháp thời xưa, hiện tại có 3 hộ gia đình sinh sống, trị giá căn biệt thự này hiện tại khoảng 40-50 tỷ VNĐ. Nhà có diện tích khoảng 250 m2, hiện tại cụ đang có sổ đỏ trong căn nhà này là mặt tiền tầng 1. Còn lại 2 tầng trên là của 2 hộ dân khác. Nhiều người ở tầng 2 đã ngỏ lời mua lại tầng 1 của bà với giá 30 tỷ mà cụ không bán.
Số bà không có chồng con, hiện tại bà sống 1 mình, những người anh em của bà hầu như đã mất. Bà chỉ còn lại cháu của các anh em khác trong gia đình. Vì thấy kiếm tiền từ thiện dễ quá, thay vì bà sống trong căn biệt thự đó, bà lại lôi rác ve chai và đồ từ thiện về tập thành đống để cho các nhà hảo tâm tưởng bà khó khăn để dễ xin tiền. Những lần bà xin được như bánh kẹo hay nước, bà đem đi bán để đổi lấy tiền.
Những hộ dân sống tầng trên rất khổ sở với bà vì bà lôi rác về tập thành đống trong ngôi nhà tầng 1, khiến mùi hôi thối bốc lên. Nhiều lần gia đình tầng trên đã kiến nghị và được phường xã huyện tới nhắc nhở và dọn dẹp giúp bà. Nhưng chuyện đâu rồi cũng vào đó, vì dọn đi rồi ai cho bà tiền nữa.
Những đồ ăn của các đoàn từ thiện đều được bà mang đi bán lấy tiền.
UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho bà Phượng trong những dịp lễ, Tết, tháng hành động Vì người nghèo, trợ cấp đột xuất; giao địa bàn dân cư, tổ dân phố số 2 quan tâm chăm lo đời sống của bà.
“Bà Phượng luôn có tên trong danh sách hỗ trợ. Hàng xóm xung quanh cũng quan tâm, nấu đồ ăn mang sang, nhưng bà không ăn. Mỗi buổi trưa và tối, bà lại ra đường xin đồ từ thiện”, lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho hay.
Tháng 4/2020, bà Phượng xuất hiện trong một bài đăng về việc đi nhận gạo từ thiện.
Trong bài viết có nêu: “Bà là người già đơn thân, anh chị đã mất hết. Bà sống một mình ở thủ đô, hoàn cảnh cơ cực phải nhặt phế liệu mưu sinh qua ngày, chạy ăn từng bữa trong mùa dịch Covid-19”.
UBND phường Lê Đại Hành sau đó lên tiếng đính chính, cho biết thực tế bà Phượng là một trong những trường hợp thường xuyên được chính quyền, các tổ chức đoàn thể của phường Lê Đại Hành, tổ dân phố và hàng xóm quan tâm, hỗ trợ kinh phí cùng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.
Chính quyền đã nhiều lần can thiệp, tới dọn hiên nhà đầy rác của bà cụ nhưng rồi “đâu lại vào đấy”
Đại diện một nhóm từ thiện ở Hà Nội cho biết cách đây 3 năm họ gặp gỡ và bắt đầu giúp đỡ bà Phượng khi thấy người phụ nữ lớn tuổi ngồi ở vỉa hè các tuyến phố: Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Bà Triệu vào mỗi tối.
Sau một lần bị tai nạn, bà Phượng được nhóm đưa đi bệnh viện cấp cứu và hỗ trợ kinh phí chữa bệnh.
Nhóm cho hay do nhận thấy việc bị tai nạn, ngồi ở ngã tư đường với chiếc chân đau thì dễ xin tiền, bà đã dùng bệnh tật để kêu gọi lòng thương hại. Từ đó, nhóm quyết định dừng giúp đỡ bà.
Khi tìm hiểu hoàn cảnh, nhóm biết bà có hộ khẩu tại phố Tô Hiến Thành, nhưng người phụ nữ luôn nói “bị chiếm nhà, bị đuổi ra đường”.
“Chúng tôi đã chứng kiến bà gõ cửa kính ô tô xin tiền, chửi nhau và đuổi những người vô gia cư khác, thậm chí bán những món đồ được các nhóm từ thiện trao tặng”, vị đại diện thông tin.