TRẠM DỪNG NGHỈ TRÊN CÁC TUYẾN CAO TỐC BẮT BUỘC PHẢI CÓ TRẠM SẠC XE Ô TÔ ĐIỆN, CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ 10/2024

   

Thông tư 09/2024, bổ sung một số quy định mới, bổ sung khu vực lắp đặt trụ sạc điện xe ô tô, thiết bị sạc điện, trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng...

 
 
 

Thông tư 09/2024, bổ sung một số quy định mới, bổ sung khu vực lắp đặt trụ sạc điện xe ô tô, thiết bị sạc điện, trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng…

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 09/2024 sửa đổi quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024.

Quy định tại Thông tư 09 này nêu rõ, trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trạm dừng nghỉ bắt buộc phải có trạm sạc xe ô tô điện- Ảnh 1.
Trạm sạc điện xe ô tô Vinfast. Ảnh: CTV

Điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư 09 có quy định mới về trạm sạc điện xe ô tô. Cụ thể, hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định tại QCVN 07:2010/BXD, TCVN 4319:2012 để có thể cung cấp an toàn, liên tục, ổn định các dịch vụ cho người, phương tiện giao thông.

Thông tư 09/2024 cũng bổ sung một số điểm mới như: Bổ sung khu vực lắp đặt trạm sạc điện, thiết bị sạc điện; trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng… Sửa đổi quy định về điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm, gồm: Các công trình dịch vụ công (cung cấp dịch vụ miễn phí), các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ.

Đánh giá về quy định lắp đặt trạm sạc điện xe ô tô tại trạm dừng nghỉ, Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lê Bình, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP ô tô Con Đường Mới cho rằng: “Hiện nay, thị trường xe điện tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, số lượng xe ô tô đang là xu thế được nhiều người tin dùng”.

 

“Để phát triển thị trường xe ô tô điện trong nước và bắt kịp xu hướng phát triển tiên tiến theo hướng sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường thì việc quy định cụ thể các trạm sạc điện ô tô tại các trạm dừng nghỉ là rất cần thiết”, anh Bình nói.

Tại Việt Nam, VinFast cũng đã và đang đầu tư lắp đặt 150.000 cổng sạc ô tô, xe máy điện tại 63/63 tỉnh thành, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ là 50 km, bán kính tối thiểu giữa 2 trạm sạc ở khu vực nội đô là 3,5 km.

Như vậy, trong tương lai trạm sạc điện xe ô tô là rất cần thiết và bắt buộc phải có tương tự như các trạm xăng dầu cung cấp cho sử dụng xăng dầu là rất đúng đắn.

 

Theo: danviet

 

Hệ thống trạm sạc đang phát triển nhanh chóng dù chưa đồng nhất, điểm tựa cho xe điện tại Việt Nam

Các thương hiệu lớn như VinFast, Audi, Mercedes và Porsche đã và đang xây dựng hệ thống trạm sạc nhằm phục vụ khách hàng sử dụng xe điện, dù chưa đồng nhất nhưng vẫn đang phát triển.

Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Rho Motion cho thấy trong năm 2023, doanh số nhóm xe xanh (bao gồm xe thuần điện và xe hybrid) đạt 13,6 triệu xe trên toàn cầu, tương đương mức tăng trưởng 31% so với số liệu của năm 2022.

Số liệu trên bao gồm 9,5 triệu ôtô thuần điện được bán ra trong năm ngoái, bên cạnh doanh số 4,1 triệu xe của nhóm ôtô sở hữu động cơ lai điện.

Xu hướng xanh hóa giao thông đang diễn ra trên toàn thế giới, và ngay tại Việt Nam, thị trường xe xanh cũng trở nên khá nhộn nhịp trong thời gian gần đây.

Theo cùng xu hướng này, hoạt động xây dựng hạ tầng trạm sạc cũng được các hãng xe triển khai mạnh mẽ nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thông suốt cho người dùng ôtô điện.

VinFast phủ sóng trạm sạc trên cả nước

Tại Việt Nam, hạ tầng trạm sạc dành cho xe điện vẫn còn khá hạn chế khi đặt cạnh số lượng trạm xăng dầu đang có sẵn. Giữa tình hình đó, VinFast là một trong những hãng xe đang nỗ lực thu gọn khoảng cách này, thông qua việc xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp trên cả nước.

 

Không chỉ vậy, VinFast còn tiến hành hợp tác với các công ty xăng dầu để đặt trụ sạc dành cho xe điện của hãng tại hệ thống các trạm xăng. Đây là bước đi quan trọng, giúp thay đổi dần thói quen sử dụng ôtô từ xe xăng sang xe điện, bắt đầu bằng cách chủ xe sẽ mang những chiếc xe điện tới trạm xăng để sạc.

 Mạng lưới trạm sạc được VinFast xây dựng trải dài từ Bắc vào Nam. Ảnh: VinFast.

Mạng lưới trạm sạc được VinFast xây dựng trải dài từ Bắc vào Nam. Ảnh: VinFast.

Nhờ đó, thống kê của VinFast cho thấy hạ tầng trạm sạc của hãng xe điện này đang phủ khắp 63 tỉnh/thành phố và dọc theo 125 tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ trên cả nước. Khoảng cách tối đa giữa các trạm sạc trên cao tốc, quốc lộ/tỉnh lộ là 65 km trong khi tại khu vực nội đô, khoảng cách này được duy trì ở mức 3,5 km.

 

 

VinFast cũng vừa công bố loại trụ sạc siêu nhanh với công suất tối đa 360 kW. Theo thông tin do hãng cung cấp, trụ sạc này có khả năng cấp điện cho nhiều xe cùng lúc, đồng thời có thể tự động phân bổ công suất tối ưu cho từng xe, tùy số lượng và khả năng tiếp nhận.

Song song với động thái nâng cấp công suất trụ sạc, VinFast cũng vừa nâng công suất sạc kèm theo xe lên mức 7,4 kW đối với các mẫu VF e34, VF 5 Plus, VF 6 và VF 7 phiên bản Base. Trên các mẫu VF 7 Plus, VF 8 và VF 9 sử dụng bộ pin CATL, hãng xe điện này bổ sung bộ sạc công suất 11 kW, giúp chủ xe có thể chủ động sạc xe tại nhà.

Hãng xe sang cũng tích cực xây dựng trạm sạc

Dù không quá rầm rộ như VinFast, các thương hiệu xe sang có sản phẩm ôtô thuần điện tại Việt Nam như Porsche, Audi hay Mercedes cũng tích cực xây dựng hệ thống trạm sạc nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Từ tháng 5/2020, một điểm sạc nhanh công suất 175 kW đã được Porsche đưa vào hoạt động tại trung tâm Porsche Sài Gòn (quận 7, TP.HCM). Sang tháng 7/2023, Porsche đưa vào vận hành thêm một trạm sạc nhanh DC tại trung tâm Porsche Studio ở quận Ba Đình (TP Hà Nội), bổ sung thêm lựa chọn sạc cho khách hàng bên cạnh việc tự nạp năng lượng cho xe điện tại nhà.

Audi cũng đã sở hữu 2 trạm sạc nhanh DC trên địa bàn TP.HCM. Một trạm sạc nhanh được hãng xe Đức đặt tại trung tâm dịch vụ ở quận Tân Bình, một trạm khác nắm trong showroom trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1).

Cuối tháng trước, Audi vừa công bố khai trương showroom Audi City Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) đi kèm dịch vụ sạc nhanh với công suất lên đến 160 kW dành cho xe điện.

 

Bên cạnh đó, Audi cũng liên kết với đơn vị thứ 3 chuyên về hạ tầng trạm sạc là EV One. Cách làm này vừa giúp Audi mở rộng được mạng lưới trạm sạc nhưng vẫn giảm bớt được chi phí đầu tư.

 Trạm sạc Audi Charging Lounge của hãng xe sang đặt tại showroom trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Audi.

Trạm sạc Audi Charging Lounge của hãng xe sang đặt tại showroom trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Audi.

Các khách hàng sở hữu xe điện Mercedes bên cạnh tự sạc xe điện tại nhà còn có thể đưa xe đến các trạm sạc được hãng triển khai và lắp đặt tại 16 đại lý của Mercedes ở Việt Nam. Tuy nhiên, các trụ sạc tại đây chỉ cung cấp sạc AC với công suất 11 kW.

Như vậy, thị trường xe điện Việt Nam ở thời điểm hiện tại chỉ ghi nhận duy nhất VinFast là hãng xe có sự đầu tư bài bản vào hạ tầng trạm sạc công cộng.

Theo quy hoạch, VinFast sẽ cung cấp tổng cộng 150.000 cổng sạc trên phạm vi toàn quốc nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng xe điện của khách hàng. Con số này vượt xa số liệu ghi nhận tại các quốc gia châu Âu vốn đang đầu tư mạnh cho giao thông xanh như Hà Lan (khoảng hơn 120.000 cổng sạc), Pháp (khoảng 84.000 cổng sạc) hay Đức với khoảng 77.000 cổng sạc công cộng.

Trạm sạc của bên thứ ba – cứu cánh cho các hãng xe điện

Tại Mỹ, bên cạnh sự rộng lớn hiện hữu của hệ thống Supercharger phục vụ xe điện Tesla, khách hàng sử dụng xe điện tại quốc gia này còn có thể nạp năng lượng cho ôtô tại các điểm sạc do những công ty tư nhân như ChargePoint, Electrify hay EVgo lắp đặt.

Theo báo cáo của BloombergNEF, số lượng trạm sạc nhanh mà ChargePoint lắp đặt trong năm 2023 là 410 trạm, trong khi Electrify và EVgo đã hoàn tất lắp đặt lần lượt 588 trạm và 850 trạm sạc nhanh tại Mỹ.

 ChargePoint là một trong số những công ty tư nhân cung cấp trạm sạc cho xe điện. Ảnh: ChargePoint.

ChargePoint là một trong số những công ty tư nhân cung cấp trạm sạc cho xe điện. Ảnh: ChargePoint.

Tại Việt Nam, EV One được biết đến như là một trong những đơn vị hoạt động với mục tiêu kết hợp cùng các doanh nghiệp hay các nhà phân phối xe hơi để nhân rộng mô hình trạm sạc.

Được biết, EV One sẽ phân phối chính hãng những trụ sạc của thương hiệu ABB, đáp ứng nhu cầu cá nhân dạng Home Charge với công suất từ 3 kW đến 24 kW và cả nhóm khách hàng doanh nghiệp bằng các trụ sạc công suất từ 50 kW đến 360 kW.

 Mạng lưới trạm sạc EV One được hiển thị trên màn hình ứng dụng.

Mạng lưới trạm sạc EV One được hiển thị trên màn hình ứng dụng.

Các trụ sạc của EV One cũng sử dụng chuẩn sạc CCS2, đáp ứng nhu cầu sạc cho phần lớn ôtô điện có mặt trên thị trường. Các chủ sở hữu ôtô điện VinFast cũng có thể nạp năng lượng cho xe tại các trạm sạc EV One do sử dụng chung chuẩn sạc này.

EV One cho biết đã hoàn tất triển khai hơn 20 trạm sạc trên toàn quốc, trong đó có 5 trạm đặt tại TP.HCM. Theo kế hoạch, đơn vị này đặt mục tiêu phát triển trên 100 trạm sạc toàn quốc vào năm 2025.

Trong năm nay, EV One dự kiến trải rộng hệ thống trạm sạc ở cả 3 miền nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ tốt cho nhu cầu di chuyển bằng xe điện dọc tuyến đường Bắc-Nam. Các trạm sạc của EV One được bố trí tại những khách sạn cao cấp, resort và sân golf nhằm hướng đến phục vụ nhóm khách hàng sử dụng ôtô điện hạng sang.

Đơn vị này cũng ra mắt ứng dụng EV One dành cho thiết bị di động, giúp khách hàng sử dụng xe điện có thể tìm kiếm các trụ sạc trong khu vực lân cận. Ứng dụng này còn giúp chủ xe điện quản lý các phiên sạc cũng như kiểm tra lịch sử sạc cho phương tiện của mình.

Bên cạnh đó, sự ra đời của công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN cũng được kỳ vọng sẽ giúp hạ tầng trạm sạc dành cho xe điện tại Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai. V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của VinFast.

Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Ngoài ra, V-GREEN cũng hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện hàng đầu thế giới.

Giai đoạn đầu, V-GREEN trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới. Đồng thời, công ty cũng sẽ hợp tác với đối tác là các đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 nhằm cung cấp dịch vụ sạc xe cho chủ xe điện VinFast.

Ở thời điểm hiện tại, sự xuất hiện của những công ty cung cấp trạm sạc như EV One hay V-GREEN có thể xem như một sự trợ giúp đắc lực với các hãng xe trong nỗ lực mở rộng mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam, từ đó giúp trải nghiệm xe điện của người dùng trở nên thuận tiện hơn.

Xu hướng chia sẻ trạm sạc

Vào tháng 7/2023, bảy hãng xe tại thị trường Mỹ bao gồm BMW, General Motors, Honda, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz và Stellantis đã thông báo sẽ hợp tác cùng nhau, thành lập một liên doanh để tự sản xuất bộ sạc cùng một hệ thống sạc đảm bảo các tiêu chí sạc nhanh, đáng tin cậy và dễ sử dụng. Liên minh này hướng đến mục tiêu mở rộng số lượng trạm sạc nhanh ra khắp lãnh thổ Bắc Mỹ, tương tự mạng lưới Supercharger của Tesla, và dự kiến đi vào hoạt động từ năm nay.

Theo Car and Driver, các trạm sạc này sẽ tương thích với tất cả xe điện sử dụng chuẩn sạc CCS cũng như chuẩn sạc NACS độc quyền trên xe điện Tesla. Không ít hãng xe đã cam kết trang bị đầu sạc chuẩn NACS trên xe điện của mình như Mercedes-Benz hay General Motors, trong khi những hệ thống trạm sạc tư nhân khác tại Mỹ như Electrify America hay ChargePoint cũng xác nhận sẽ bổ sung trụ sạc theo chuẩn NACS trong tương lai gần.

 Tesla chia sẻ trạm sạc Supercharger với các hãng xe đối thủ. Ảnh: Teslarati.

Tesla chia sẻ trạm sạc Supercharger với các hãng xe đối thủ. Ảnh: Teslarati.

Trước đó, Tesla xác nhận sẽ chia sẻ quyền sử dụng 12.000 trụ sạc Supercharger của mình tại Bắc Mỹ với các hãng xe đối thủ. Ford là cái tên đầu tiên đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền sử dụng các trạm sạc siêu nhanh Supercharger, tiếp sau đó là General Motors và Rivian.

Với V-GREEN, đơn vị này cho biết sau khoảng 5 năm vận hành, tùy từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế mà sẽ cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ôtô điện cho các hãng xe điện khác ngoài VinFast.

Bên cạnh nỗ lực của từng hãng xe, xu hướng chia sẻ trạm sạc xe điện cũng được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm mở rộng hạ tầng trạm sạc. Tuy nhiên ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại, khả năng ôtô điện của các hãng khác có thể sử dụng trụ sạc của VinFast vẫn được xem là tương đối khó xảy ra.

Tại thị trường Việt Nam, xe xanh nói chung và ôtô thuần điện nói riêng vẫn còn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số phương tiện giao thông đang di chuyển trên các tuyến đường.

Dù vậy, nỗ lực của các hãng xe và những công ty cung cấp dịch vụ trạm sạc trong việc mở rộng hệ thống phục vụ khách hàng đi xe điện được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ những lo ngại của khách hàng trong quá trình sử dụng ôtô điện. Trong tương lai, việc hạ tầng trạm sạc được xây dựng hoàn chỉnh và rộng khắp có thể trở thành điểm tựa để xe điện trở nên phổ biến hơn đối với khách hàng Việt Nam.