Đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Nghệ An về những vấn đề người dân quan tâm.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh hướng dẫn người dân tại phố đi bộ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ảnh tư liệu
P.V: Đồng chí có thể cho biết, việc đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước nhằm mục tiêu gì?
Đại tá Lương Thế Lộc: Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân). Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân vì tại Điều 46 Luật Căn cước về điều khoản chuyển tiếp cũng đã quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực Pháp Luật; thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm Pháp Luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này. Như vậy, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân. Ảnh tư liệu
P.V: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đã cấp có còn hiệu lực? Ngoài tên gọi, thẻ căn cước có những điểm mới nào đáng chú ý so với thẻ căn cước công dân hiện nay?
Đại tá Lương Thế Lộc: Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng.
Ngoài tên gọi, thẻ căn cước có nhiều đổi mới so với thẻ căn cước công dân hiện nay. Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Công an huyện Diễn Châu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó, người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Một điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật CCCD, đó là bổ sung thêm giấy chứng nhận căn cước. Đây là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có căn cước điện tử. Luật cũng đã bổ sung quy định thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện…
Việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ em được chia thành hai trường hợp:
Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Bắt buộc phải cấp thẻ Căn cước
Dưới 14 tuổi: Không bắt buộc phải cấp, chỉ cấp nếu có nhu cầu.
Tùy vào từng trường hợp, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho hai đối tượng trẻ em nêu trên sẽ khác nhau, cụ thể:
Với trẻ em dưới 6 tuổi
Khi trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID/trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Lưu ý: Đối tượng này không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Với trẻ em từ đủ 06 - dưới 14 tuổi:
Đối tượng này đến trực tiếp cơ quan quản lý căn cước cùng với người đại diện hợp pháp để thực hiện các thủ tục thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học.
Việc thực hiện thủ tục do người đại diện hợp pháp thực hiện.
Với trẻ em từ đủ 14 - dưới 16 tuổi
Bước 1: Được kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành… để xác định chính xác đối tượng được cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì sẽ được cập nhật.
Bước 2: Được thu thập đặc điểm nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.
Bước 3: Kiểm tra lại thông tin, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả kết quả thẻ Căn cước và có thể yêu cầu trả thẻ Căn cước ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và trả phí dịch vụ chuyển phát.
- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 26 Luật Căn cước năm 2023.
P.V: Liên quan đến những thông tin có trong thẻ căn cước mới, đồng chí cho biết rõ hơn những thông tin như ADN, mống mắt, giọng nói... sẽ được tiến hành thu thập như thế nào?
Đại tá Lương Thế Lộc: Thông tin trên thẻ căn cước được quy định cụ thể tại Điều 19, Luật Căn cước, ngoài ra tại khoản 2, Điều 22 Luật Căn cước còn quy định về thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Như vậy, thông tin trên thẻ căn cước ngoài các thông tin về căn cước thì còn bổ sung, tích hợp thêm các thông tin khác, việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao dịch khác.
Chụp ảnh làm căn cước công dân. Ảnh tư liệu
Đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói: Về thông tin sinh trắc học mống mắt, tại điểm b khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”, như vậy việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói, tại điểm d khoản 1, Điều 16, Luật Căn cước quy định: Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng Hình Sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước?
Đại tá Lương Thế Lộc: Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên thẻ căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì với tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.