Vì sao mưa đá xuất hiện liên tiếp ở miền Bắc?

   

Miền Bắc đang chuyển mùa, không khí lạnh yếu liên tục tăng cường cùng vùng áp thấp nóng phía tây phát triển và hội tụ gió trên cao là điều kiện hình thành mưa đá.

Lý giải ba ngày qua giông lốc, mưa đá liên tục xuất hiện ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc như Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, ông Vũ Anh Tuấn, Phó phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết khu vực này đang chịu tác động của ba hình thái thời tiết. Đó là không khí lạnh yếu liên tục tăng cường xuống miền Bắc, vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mở rộng và hội tụ gió ở độ cao 5.000 m di chuyển từ tây sang đông.

"Tổ hợp ba yếu tố này kết hợp tạo nên xáo động không khí rất lớn ở Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi", ông Tuấn nói, cho rằng hiện tượng này không bất thường. Hàng năm, mưa đá xuất hiện vào thời điểm giao mùa từ lạnh sang nóng (từ tháng 3 đến 5) hoặc ngược lại từ nóng sang lạnh (tháng 10-11), tập trung nhiều vào tháng 4-5, phạm vi có thể hầu khắp cả nước.

Miền núi hay có mưa đá vì địa hình núi cao, rừng đan xen, là điều kiện lý tưởng cho đối lưu phát triển mạnh, hình thành mây vũ tích.

Ông Vũ Anh Tuấn trả lời về hiện tượng mưa đá. Ảnh: Văn Hùng

Ông Vũ Anh Tuấn trả lời về hiện tượng mưa đá. Ảnh: Văn Hùng

Về cơ chế hình thành mưa đá, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phân tích miền Bắc đang giai đoạn giao mùa, trời nóng ẩm, hàm lượng hơi nước trong không khí cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng, trên lạnh. Lúc này hiện tượng đối lưu phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích.

Dòng khí đi lên trong đám mây rất mạnh, nâng đỡ những hạt băng và lớn dần, cuối cùng trở thành cục băng có cấu tạo nhiều lớp trong và đục xen kẽ nhau. Khi cục băng lớn tới mức độ mà dòng khí đi lên không còn đủ sức nâng đỡ nữa sẽ rơi xuống đất, gây ra mưa đá.

Mưa đá thường xảy ra 5-10 phút, có thể kéo dài 20-30 phút, đường kính viên đá 0,5-30 mm. Nó chỉ xuất hiện khi có giông, song không phải cơn giông nào cũng có mưa đá, tần suất khoảng 10%. Đá rơi với vận tốc rất lớn, khoảng 30-60 m/s, cá biệt lên tới 90 m/s, gây thiệt hại lớn cho các công trình, hoa màu.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, việc dự báo mưa giông, mưa đá tương đối khó vì phải xác định được khu vực hội tụ gió cũng như xáo động lớn trong không khí. Ngay cả khi xác định được khu vực có xáo động lớn thì cũng chưa chắc đã xảy ra mưa giông, mưa đá. Hiện, cơ quan khí tượng chỉ dự báo được trước 24 giờ và cảnh báo trước 30 phút đến 3 giờ với các khu vực cụ thể.

Mưa đá xảy ra ở các tỉnh miền núi trong ba ngày qua. Ảnh: Yên Bái

Mưa đá xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc ba ngày qua. Ảnh: Yên Bái

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân cần nhận biết các dấu hiệu. Đó là đám mây hình bầu vú đen sẫm kéo đến, gió mạnh, nhiệt độ không khí giảm mạnh. Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, người dân nên dừng lại tìm chỗ trú ẩn, đội mũ bảo hiểm tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố mái, những chỗ trọng yếu nên sử dụng vật liệu có thể chống chịu va đập. Mái nhà nên dốc xuống hai bên giúp giảm lực tác động từ mưa đá. Với hoa màu dễ bị nát dập, người dân có thể dựng giàn che dọc theo luống.

Trước đó các ngày 27-29/3, các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An xuất hiện mưa đá diện rộng. Gần 2.000 ngôi nhà, trong đó Hà Giang hơn 1.300, Phú Thọ hơn 400, Yên Bái hơn 150 bị hư hại, hàng nghìn ha hoa màu, cây lâm nghiệp gãy đổ.

Năm 2006, hai trận giông lốc, mưa đá trong ba ngày ở 12 tỉnh thành phía Bắc làm 17 người chết, 4 người mất tích, thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Trưa 27/3, giông lốc, mưa đá xảy ra ở xã Du Già, huyện Yên Minh khiến trường mầm non, tiểu học và trung học bị sập cổng, tốc mái. Ảnh: Hoàng Trường

Đá phủ trắng cánh đồng ở xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch huyện Yên Minh, cho biết huyện đang huy động toàn bộ nhân lực đến các xã chịu thiệt hại do mưa đá để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, thống kê thiệt hại.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa đá, giông lốc những ngày qua đã khiến gần 1.300 ngôi nhà ở các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn và hơn 270 ha hoa màu bị hư hại. Ảnh: Hoàng Hồng

Tỉnh Sơn La cũng ghi nhận mưa đá dày hạt tại thị trấn nông trường Mộc Châu và xã Phiêng Luông vào đầu giờ chiều 28/3. Ảnh: Hoàng Thị Thái

Mận xanh bị rụng do mưa đá ở xã Tà Lọng. Cơ quan phòng chống thiên tai huyện Mộc Châu cho biết gần 1.200 ha cây ăn quả như mận, cam, hồng bị hư hại 30-70% và trên 20 ha dâu tây, bắp cải dập nát.

Đến sáng 29/3, mưa đá và giông lốc xuất hiện trở lại ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai khiến nhiều nhà dân bị tốc mái. Ảnh: Sơn La

Mưa đá trút xuống hầu hết các xã ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái sáng 28/3 khiến hơn 160 ngôi nhà bị thiệt hại, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái. Đến sáng nay, xã biên giới như Chế Tạo xuất hiện mưa đá trở lại.

Tại huyện Trấn Yên, trường Mầm non xã Hưng Thịnh, bị tốc mái vòm, đổ cột điện. 12 ha lúa, ngô và cây lâm nghiệp bị hỏng.

Trước khi giông lốc, mưa đá xuất hiện, mây đen bao phủ khiến bầu trời TP Yên Bái lúc 10h30 ngày 28/3 tối đen như lúc chập tối. Ảnh: Yên Bái

Tại Phú Thọ, lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ sau trận mưa giông trưa 28/3 khiến hơn 400 nhà dân, 5 trường học ở huyện Hạ Hòa tốc mái. Ảnh: Công an Phú Thọ

Khoảng 16h ngày 29/3, TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện giông lốc, mưa đá kéo dài khoảng 20 phút. Những viên đá to bằng đầu ngón tay được người dân ở TP Cẩm Phả gom lại thành đống. Ảnh: QMG Quảng Ninh

Giông lốc đã kéo đổ cột điện ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long, may mắn không gây thiệt hại về người. Ảnh: QMG Quảng Ninh

Không chỉ miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ cũng xuất hiện mưa đá. 16h ngày 28/3, các xã Mai Sơn, Yên Thắng, Yên Hòa, Nga Mỹ thuộc huyện vùng núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An đá rơi hơn 20 phút. Trẻ con gom được cả chậu đá chơi.